Nghe có vẻ hài hước nhưng là chuyện có thật tại Bình Dương. Trung tâm sức khỏe lao động và môi trường Bình Dương đã tận dụng tối đa các nhân viên tạp vụ trở thành bác sĩ khám sức khoẻ định kỳ cho công nhân.
Chuyện tưởng chỉ có trong tiểu phẩm hài lại là thực tế tại Trung tâm sức khỏe lao động và môi trường Bình Dương, trực thuộc Sở Y tế tỉnh này.
Đáng lưu ý, không chỉ thường xuyên cử nhân viên tạp vụ tham gia đoàn y bác sĩ khám bệnh nghề nghiệp, sức khỏe định kỳ cho công nhân, trung tâm còn thuê “khống” bác sĩ để hợp thức hóa hồ sơ khám bệnh.
Trung tâm sức khỏe lao động và môi trường Bình Dương
Theo quy định, việc khám bệnh, sức khỏe phải được thực hiện bởi các y, bác sĩ có trình độ chuyên môn, được cấp chứng chỉ hành nghề; người ký kết luận trên hồ sơ, bệnh án phải là người có đủ trình độ, thâm niên công tác… Thế nhưng, theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, mặc dù bà N.T.K.N không có bằng cấp, chứng chỉ hành nghề và không đủ điều kiện để tham gia hoạt động chuyên môn về khám bệnh nghề nghiệp, sức khỏe (gọi tắt là khám bệnh) nhưng thường xuyên được giám đốc Trung tâm sức khỏe lao động và môi trường Bình Dương (viết tắt Trung tâm SKLĐ-MT) cử tham gia đoàn y, bác sĩ đi “khám bệnh” định kỳ cho công nhân (CN) các công ty, xí nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Gần đây nhất, ngày 5.12.2019, bà N. được giám đốc trung tâm cử tham gia đoàn y bác sĩ của trung tâm đi khám bệnh tại một công ty nằm trong KCN VSIP 2 (P.Hòa Phú, TP.Thủ Dầu Một, Bình Dương).
Bà N. khám bệnh cho công nhân lần gần đây và mặc áo tạp vụ ở trung tâm sáng 16.12
Nhiều CN phản ánh, trong quá trình khám bệnh, bà N. mặc blouse trắng, đo mạch, huyết áp cho CN sau đó ghi kết quả vào hồ sơ bệnh án. Nhiều lần, CN bắt gặp buổi sáng bà N. tham gia đoàn khám bệnh ở công ty xong, buổi chiều về lại trung tâm tiếp tục công việc tạp vụ, dọn dẹp vệ sinh nơi này.
Sáng 16.12, trả lời câu hỏi của PV Thanh Niên liên quan đến vai trò, trách nhiệm của mình tại trung tâm, bà N.T.K.N thừa nhận: “Tôi là nhân viên tạp vụ”.
“Đắp chiếu” máy X-quang, thuê máy bên ngoài
Bên cạnh cử nhân viên tạp vụ tham gia khám bệnh, Trung tâm SKLĐ-MT Bình Dương còn hợp đồng thuê 3 bác sĩ ở ngoài, trả lương hằng tháng để hợp thức hóa hồ sơ đăng ký khám chữa bệnh, nhưng thực chất những bác sĩ được hợp đồng này không đến trung tâm làm việc; không tham gia các đoàn khám bệnh cho CN ngày nào dù vẫn hưởng lương của trung tâm hằng tháng.
Đáng nói, năm 2008, Trung tâm SKLĐ-MT Bình Dương được trang bị 1 máy chụp X-quang mới 100% trị giá hàng tỉ đồng. Tuy nhiên, nhiều năm nay, máy chụp X-quang của trung tâm bị “đắp chiếu” với lý do “hư hỏng, không hoạt động được”.
Trong khi đó, Trung tâm SKLĐ-MT Bình Dương lại hợp đồng thuê máy chụp X-quang của một phòng khám tư nhân ở TX.Thuận An (Bình Dương) để thực hiện việc khám bệnh cho CN tại công ty và khi có người đến khám sức khỏe tại trung tâm này.
Ngày 16.12, PV Thanh Niên đã tiếp xúc với ông Hồ Hoàng Vân, Giám đốc Trung tâm SKLĐ-MT Bình Dương, để làm rõ những vấn đề nêu trên. Ban đầu, ông Vân thừa nhận trung tâm được trang bị máy chụp X-quang và hiện tại không sử dụng. “Có máy X-quang, nhưng nhu cầu sử dụng máy X-quang là rất ít”, ông Vân nói. PV đề nghị ông Vân cho xem phòng và máy chụp X-quang thì ông nói: “Máy đã mang về đâu. Chưa mang về”. Khi PV khẳng định máy X-quang được trang bị từ năm 2008 và hỏi về việc đi thuê máy X-quang ở ngoài (có thể hiện trong kế hoạch phân công công tác) thì ông Vân không trả lời.
Phòng X-quang tại trung tâm khóa kín (ảnh chụp vào sáng 16.12)
Liên quan đến việc cử bà N. nhiều lần tham gia đoàn y bác sĩ thực hiện khám bệnh, PV đặt câu hỏi thì ông Vân liên tục ậm ừ rồi nói nhỏ: “Tôi không trả lời được”. Sau đó, ông Vân đề nghị PV “ra uống trà nói chuyện”. Khi PV từ chối và đề nghị làm việc tại bàn làm việc thì ông này gọi bảo vệ yêu cầu PV ra khỏi trung tâm!?
PV Thanh Niên cũng đã liên hệ với lãnh đạo Sở Y tế Bình Dương để làm rõ thêm những vấn đề liên quan đến trung tâm SKLĐ-MT nhưng được hướng dẫn “qua gặp Văn phòng Sở”. PV tiếp tục liên hệ với lãnh đạo Văn phòng Sở Y tế Bình Dương thì bị từ chối trả lời!
Trung tâm SKLĐ-MT Bình Dương là cơ quan sự nghiệp (tuyến tỉnh) trực thuộc Sở Y tế Bình Dương, được giao nhiệm vụ thực hiện khám, phát hiện bệnh nghề nghiệp; quản lý, đánh giá về vệ sinh môi trường lao động như: khí độc, bụi phóng xạ, tiếng ồn, độ rung… Ngoài ra, trung tâm còn thực hiện dịch vụ chuyên môn, như: khám, cấp giấy chứng nhận sức khỏe trong công tác tuyển sinh, tuyển dụng lao động cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, các cá nhân có nhu cầu. Trung tâm thực hiện khám bệnh, sức khỏe định kỳ tại cơ quan, doanh nghiệp và tại trụ sở trung tâm (P.Phú Hòa, TP.Thủ Dầu Một).
“Đọc xong hạ huyết áp”
Sáng 17.12, Thanh Niên đăng bài viết 'Hô biến' nhân viên tạp vụ thành... bác sĩ khám cho công nhân, phản ánh thực tế tréo ngoe xảy ra tại Trung tâm Sức khỏe lao động và môi trường tỉnh Bình Dương: Nhân viên tạp vụ thường xuyên tham gia đoàn bác sĩ khám bệnh cho công nhân, bác sĩ được thuê “khống” để hợp thức hóa hồ sơ khám bệnh.
Nhiều bạn đọc Thanh Niên ngỡ ngàng trước thực tế khó tin này. Bạn đọc Bùi Thanh Toàn (Bến Tre) cảm thán: “Đọc xong hạ huyết áp!”. Nhưng cũng có bạn đọc mỉa mai: “Đọc xong nổi tăng xông”, “Tôi thì muốn… tắt thở”...
Một bạn đọc tại Bà Rịa - Vũng Tàu bức xúc: “Đọc bài báo xong hoa mắt, lùng bùng hai lỗ tai không tin là có thật. Tại sao kêu bảo vệ đuổi không tiếp phóng viên, nếu như không có mờ ám. Cử nhân viên tạp vụ ngồi ghế bác sĩ khám định kỳ cho công nhân là lừa dối để làm giả tài liệu của tổ chức xã hội, cơ quan nhà nước. Sắm máy X quang tại sao không xài, đi chụp ngoài là lợi ích gì?”.
Bạn đọc Hoàng Trang (Phú Yên) trào phúng: “Đúng là chuyện hài, quá hài, hài đến nỗi không vở kịch nào có thể tưởng tượng ra được mà lại xảy ra thực tế tại Trung tâm Sức khỏe lao động và môi trường Bình Dương. Ông Giám đốc trung tâm này xứng danh là nhà biên kịch hài vĩ đại đến thời điểm hiện tại. Hài, hài đến thế là cùng!”.
“Trách nhiệm người đứng đầu ở đâu?”
“Những chuyện tưởng như hài thế này lại có thể tồn tại ở một trong những thành phố năng động nhất cả nước”, bạn đọc Lê Trọng Công (TP.HCM) bình luận.
“Trách nhiệm người đứng đầu đang ở đâu để cấp dưới làm thế?”, hầu hết bạn đọc Thanh Niên đều có cùng câu hỏi khi cả Giám đốc Trung tâm Sức khỏe lao động và môi trường Bình Dương và lãnh đạo Sở Y tế Bình Dương có chung thái độ vòng vo, né tránh câu hỏi của PV Thanh Niên.
Một bạn đọc tại Bình Dương bình luận thêm: “Chuyện này to rồi đây, không biết Sở Y tế Bình Dương làm việc thế nào? Cơ quan tuyến tỉnh, trực thuộc Sở Y tế mà chưa quản lý được, thì sao nói được cơ sở y tế khác”.
Đến khi có được câu trả lời thỏa đáng từ cơ quan chức năng có liên quan, bạn đọc Thanh Niên chắc chắn sẽ vẫn còn khắc khoải: “Sao thời buổi này mà có cơ quan nhà nước còn như vậy ta? Phải xử lý nghiêm khắc”.
Bà Ngân (ngồi giữa) khám ở vị trí mạch - huyết áp trước đó, không đúng như giải trình của trung tâm chỉ cân đo
Ông Huỳnh Thanh Hà, Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương, cho biết sau khi Báo Thanh Niên phản ánh, trong ngày Sở Y tế đã có văn bản yêu cầu Trung tâm sức khỏe lao động và môi trường Bình Dương (gọi tắt là trung tâm) giải trình những vấn đề báo nêu trước 15 giờ cùng ngày. Sau khi nhận được giải trình của trung tâm, Sở Y tế cũng đã gửi cho Tỉnh ủy Bình Dương để báo cáo.
Trả lời Thanh Niên, ông Hà thừa nhận việc sử dụng bà Nguyễn Thị Kim Ngân, nhân viên tạp vụ, làm công tác khám bệnh cho công nhân là sai. Tuy nhiên, ông chống chế: “Đây chỉ là đột xuất, không thường xuyên”. Ông Hà biện minh: “Theo giải trình của trung tâm, ngày 5.12 khi đoàn thực hiện khám bệnh cho một công ty thì vị trí cân đo vắng đột xuất nên mới bố trí bà Ngân vào vị trí này. Nhưng như vậy cũng là sai rồi!”.
Trong khi đó, PV Thanh Niên đã chỉ ra nhiều vấn đề khác hẳn so với trong báo cáo giải trình. Điển hình như việc bà Ngân được phân công nằm trong kế hoạch của trung tâm (ký ngày 4.12, thực hiện ngày 5.12) chứ không phải đột xuất. Hơn nữa nhiệm vụ được phân công là M.HA (đo mạch, huyết áp - PV) và thực tế bà Ngân cũng thực hiện việc đo mạch huyết áp chứ không phải là việc cân đo như giải trình của trung tâm. Mặt khác, PV còn đưa ra hình ảnh chứng minh bà Ngân thường xuyên được bố trí vào việc đo mạch, huyết áp ở nhiều địa điểm khám khác chứ không phải đột xuất như giải trình của trung tâm. Lúc này ông Hà im lặng, không nói được gì.
Do công bố đủ chuẩn nên phải thuê bác sĩ?
Giải thích về việc thuê 3 bác sĩ ở ngoài để thực hiện khám bệnh nghề nghiệp, ông Hà giải thích: “Trung tâm được giao nhiệm vụ khám sức khỏe, phát hiện bệnh nghề nghiệp cho công nhân và theo yêu cầu (khám dịch vụ - PV) của doanh nghiệp. Có ngày, trung tâm phải tổ chức 2 - 3 đoàn khám mới đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp. Do đó, để đủ điều kiện thực hiện thì trung tâm phải có các khoa, bác sĩ chuyên môn theo quy định. Trung tâm đã công bố đủ điều kiện rồi nên bắt buộc phải hợp đồng bác sĩ ở bên ngoài tham gia đoàn khám”.
Lịch phân công bà Ngân khám ở vị trí M.HA ngày 4.12, không phải đột xuất
Ông Hà cũng giải thích việc thuê bác sĩ ở ngoài tham gia đoàn khám khi nào thiếu người mới thuê. Liên quan đến việc này, PV đặt vấn đề: “Khi nào thiếu người mới thuê” nhưng sao lại trả lương hằng tháng 8 triệu đồng/người?”, thì ông Hà nói: “Tôi không đề cập mức lương hay mức thuê ở đây vì số tiền đó phụ thuộc vào năng lực của từng người”. Sau đó, ông không trả lời được câu hỏi này.
Liên quan việc “đắp chiếu” máy X-quang ở trung tâm và phải đi thuê ở ngoài, ông Hà thừa nhận có việc này. Ông Hà giải thích: “Máy chụp X-quang của trung tâm được trang bị từ năm 2008, thường xảy ra trục trặc, phim mờ, không đủ tiêu chuẩn để chụp bụi phổi và không đủ tiêu chuẩn cơ động, vận chuyển, nên phải đi thuê ở ngoài”.
Về việc tại sao những vấn đề như Báo Thanh Niên phản ánh đã xảy ra trong thời gian dài nhưng không phát hiện, chấn chỉnh? Liệu có sự buông lỏng quản lý hay không? Trách nhiệm thế nào? Ông Hà giải thích: “Việc kiểm tra, giám sát chưa đạt 100%, cuối năm 2019 chúng tôi chưa rà soát được. Vì vậy chúng tôi cũng rất cảm ơn Báo Thanh Niên đã phản ánh kịp thời, chỉ ra những thiếu sót trong công tác quản lý”.
Nguồn: Thanhnien
Gửi bình luận của bạn